[Manga Review] 20th Century Boys và Chủ Nghĩa Độc Tài Toàn Trị

SkylerNew

New member
20th Century Boys (và 21th Century Boys) có thể nói là siêu phẩm xuất sắc nhất của Naoki Urasawa, nhiều người bảo Billy Bat hơn nhưng đọc thì thấy không bằng, và Monster thì câu chuyện hẹp hơn, tầm vóc nhỏ hơn dù xây dựng nhân vật ấn tượng hơn.

81TZrYTkAkL-627x900.jpg



Chủ nghĩa độc tài toàn trị (Totalitarianism) xuất hiện từ lâu và được nhắc trong khá nhiều tác phẩm, trong đó nổi tiếng nhất phải là 1984 của Geogre Orwell. Để dễ hình dung, nước Đức của Hitler là điển hình của chế độ độc tài toàn trị trước khi chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra, và giờ đây, để dễ hình dung, nước Nga của Putin cũng là một dạng biến thể của độc tài toàn trị.

“Những chàng trai thế kỷ 20” là tên một bài hát của T.Rex, một band nhạc rock của Anh, guitarist Marc Bolan sáng tác. Naoki Urasawa đã kể câu chuyện 20th Century Boys theo đúng phong cách nhạc rock, cả câu chuyện là một bản nhạc lúc bổng lúc trầm nhưng không khi nào thôi dữ dội gào thét. Câu chuyện bắt đầu với Kenji, một chàng trai nuôi ước mơ chơi nhạc và phải từ bỏ khi có biến cố gia đình xảy ra với chị gái mình. Mọi chuyện dần dần trở nên nghiêm trọng khi có một âm mưu “trả thù” khủng khiếp giáng xuống Kenji và những người bạn, mọi thứ đều có lý do, mọi viên đại bác ở tương lai đều bắt đầu từ phát súng, à không, thậm chí chỉ là một viên đá từ quá khứ.

20th Century Boys là một hành trình dài và đồ sộ, đầy cuốn hút với những tình tiết hấp dẫn trong một câu chuyện rất hiện thực pha trinh thám. Đáng chú ý hơn nữa là nó lồng trong một bối cảnh đặc biệt, một thế giới mà chủ nghĩa độc tài toàn trị lên ngôi, sau những “dối trá kinh điển” mà những người làm chính trị, những người đứng đầu đất nước có thể thực hiện. Trong khuôn khổ bài viết này, chỉ nhắc đến độc tài toàn trị xuất hiện trong bộ truyện, chứ không review hết, nó sẽ quá dài, sẽ viết ở trong một dịp khác.

4c7379d1c3a5b64e2dc7d484429c3df5cdee050b_hq-700x394.jpg



Trong bộ truyện tranh này, phản diện là “Đảng Ái Hữu” với người đứng đầu là Bạn (Friend). Bạn là thủ lĩnh tinh thần, cũng là người nắm quyền lực trong bộ máy cai trị. Đảng Ái Hữu cũng từng bước đi lên trong hệ thống chính trị của nước Nhật rồi nắm quyền, thao túng, đổi trắng thay đen, biến nhóm của Kenji thành “phản động”, thành “kh.ủng bố”. Nghĩa là con đường đi lên của một đảng cầm quyền rất kinh điển và cơ bản. Và đối với một đất nước, việc chuyển sang chế độ toàn trị nó không đơn thuần là nhảy phát lên, mà nó còn thể hiện nguyện vọng của ít nhất là của giới cầm quyền và đa số tầng lớp trên.

Để có thể hiểu được chế độ độc tài toàn trị, có thể đọc thêm 2 quyển sách là “Nguồn gốc của chủ nghĩa toàn trị” (The origin of totalitarianism) của Hannah Arendt và cuốn “Đường Về Nô Lệ” (The Road to Serfdom) của Friedrich Hayek. Trong cuốn Đường Về Nô Lệ Hayek đã nói về việc chuyển từ thiết chế dân chủ sang toàn trị xảy ra khi có sự bất mãn của toàn dân đối với chính phủ, một chính phủ vừa chậm chạp, vừa thụ động, bị trói chân trói tay vì các thủ tục dân chủ rắc rối. Đây là nhân tố chú chốt khiến người ta mong có một chính phủ quyết đoán, Trong tình hình như thế, trong khi mọi người đều đòi hỏi phải có những hành động khẩn trương và dứt khoát thì một chính khách hay một đảng tỏ ra “mạnh mẽ”, sẵn sàng “hành động”, sẽ là người được quần chúng mến mộ. Nước Đức sau chiến tranh thế giới thứ nhất là nước bại trận, phải trả chiến phí lớn, rồi sau đó là cuộc đại khủng hoảng khiến cho tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, nguyện vọng của dân chúng là phải có việc làm và sâu xa hơn là lấy lại vị thế nước Đức, khi đó Hitler xuất hiện với một chủ thuyết thượng đẳng để lay động quần hùng. Hay đối với nước Nga, sau một thời gian dài chuyển tiếp từ cộng sản sang tư bản (chưa tới) đã trở nên rất yếu và vị thế đất nước không còn như xưa, cái ham muốn trở lại quyền lực như thời Xô Viết vẫn còn đó, khi ấy Putin dần dần nắm được quyền lực, kể cả quyền lực sửa Hiến Pháp để tại vị 20 năm. Còn với Trung Quốc, ham muốn thống trị thế giới đã có từ hàng ngàn năm trước, nên không có gì lạ khi chính quyền cũng sẽ đi theo hướng toàn trị để hiện thực hóa dã tâm đưa đất nước trở thành như xưa, cũng là để rửa mối nhục bị phương Tây xâu xé vào cuối thế kỷ 19.

1024px-20th_Century_Boys_-_shibuya_2765949968-700x525.jpg



Từ đó, có thể thấy rằng Độc Tài Toàn Trị cần những khủng hoảng, và ngay nội tại đất nước cũng hướng đến ủng hộ độc tài toàn trị, với một niềm tin rằng người đứng đầu có thể thực hiện được mọi điều ông ta muốn. Ở 20th Century Boys, sự khủng hoảng bắt đầu từ “Đêm GiaoThừa đẫm máu”, trong bối cảnh một nước Nhật đang chững lại sau thời kỳ phát triển nhanh, nó tạo ra những lỗ hổng trong thiết chế xã hội, khủng hoảng hiện sinh và tâm lý của đa số người dân. Khi đó Đảng Ái Hữu và Bạn xuất hiện như một đấng cứu thế để dẫn dắt đất nước đi lên.

Hannah Arendt cho rằng Chủ nghĩa Toàn trị không cần những kẻ vâng lời, tuân phục, nó chỉ cần sự vắng mặt của lý trí. Bởi rằng nếu tuân phục là còn lý trí, mà còn lý trí thì sẽ có khả năng không tuân phục trong tương lai. Điều này cũng khá tương đồng với những khẩu hiệu của “con người mới xhcn” trong Chủ nghĩa xã hội, “Công dân tốt thì không được suy nghĩ”. Công cụ để cai trị của Chủ Nghĩa Toàn Trị là “độc quyền chân lý”, nghĩa là trước hết phải tẩy não những ý tưởng chống đối và gieo vào đó những ý niệm, những “sự thật” mà giới cầm quyền mong muốn. Trong 20th Century Boys, “Công Viên Bạn”, một chương trình thực tế ảo để “học viên” có thể được “tái giáo dục”, làm sạch bộ não của mình, phải giải quyết vấn đề theo cách không cần suy nghĩ, Naoki quả thật đã rất xuất sắc khi nghĩ ra ý tưởng như thế, lúc mà “thực tế ảo” còn chưa phổ biến như bây giờ. Nhìn sang cuộc thảm sát ngoài đời thực của Hitler với Do Thái, những kẻ thực thi quả thực cũng đã có kiểu hành động không cần lý trí, không cần suy nghĩ. Tâm lý này của con người cũng được minh chứng qua Thí Nghiệm Milgram, khi mà con người không phải chịu trách nhiệm và dưới sức ép của mệnh lệnh, họ có thể làm những chuyện độc ác nhất dù biết là trái với pháp luật, đạo đức và lương tâm.

Chương 8 của Đường Về Nô Lệ, Hayek đã đặt tên là “Những người toàn trị giữa chúng ta”, còn với Naoki khi viết 20th Century Boys đã đưa người đọc đi một hành trình rất dài để tìm ra bộ mặt thật của Bạn. Bạn là ai, Bạn đến từ quá khứ và sao lại căm thù đến thế, liệu một nỗi đau thời tiểu học có thể sản sinh ra một con quái vật khuynh đảo cả thế giới như thế hay không? Chính bản thân Naoki cũng đã nhiều lần giải thích rằng Bạn có thể là bất cứ ai, và có là ai cũng không quan trọng, đơn giản là Bạn sẽ xuất hiện khi có đủ điều kiện xảy ra, đi kèm đó là Chế độ Toàn trị để thao túng.

Trong cuốn 1984, Geogre Orwell đã mô tả một tấm áp phích với khẩu hiệu phi lý, khó hiểu nhưng vẫn được sử dụng để cổ động: “Chiến tranh là hòa bình. Tự do là nô lệ. Sự ngu dốt là sức mạnh”. Để thấy rằng có những điều bất bình thường sẽ trở thành bình thường, những điều phi lý sẽ dần trở nên hợp lý. Để thấy rằng có sự méo mó rất lớn sau một quá trình dài “không cần phải nghĩ”. Chế độ Độc tài Toàn trị sẽ nhanh chóng vực dậy cả một quốc gia, thỏa mãn tham vọng của cá nhân đứng đầu nhưng cũng sẽ dễ dàng chuyển hướng xấu bởi sự “tha hóa quyền lực” và không còn gì để kềm chế quyền lực của cá nhân (hay tập thể).

5433_Tier03_SeriesHeader_20C_2000x800-700x525.jpg



20th Century Boys đã kết thúc bằng câu “Tớ xin lỗi!” của Kenji, như một sự nhận lỗi về mình của mọi hận thù trong quá khứ nhưng nó không thể thay đổi được quá khứ. Cũng như Bạn dành cả đời để tìm kiếm lại “bạn” mà mình không có được trong quá khứ, để rồi cuối cùng vẫn kết thúc trong cô độc dù có “trả thù cả thế giới”. Ở bộ truyện tranh này, còn rất nhiều thông điệp và câu chuyện độc đáo khác, về bằng hữu, về nỗi đau, về giải thoát, về gia đình, về tình yêu, về đam mê, về lý tưởng… độc tài toàn trị chỉ là một phần rất nhỏ trong tác phẩm để đời của Naoki Urasawa.
 
Bên trên