Người Tình (2022) – Đậm chất điện ảnh nhưng vẫn yếu về thoại và câu chuyện

SkylerNew

New member
Cũng đợi phim ra rạp lâu lâu rồi mới viết review, ít nhất là cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến doanh thu, dù biết là nó cũng sẽ vắng khách, do chủ đề và “màu” phim.

Người Tình thật sự gây bất ngờ, sau khi xem xong mấy phim thị trường “thấy gớm” mà Lưu Huỳnh làm gần đây. Người Tình là phim để Lưu Huỳnh trở lại với phong cách làm phim điện ảnh từng giúp anh thành công với Áo Lụa Hà Đông hay Lấy Chồng Người Ta.
review-phim-nguoi-tinh-700x394.jpg

Về phim, có thể chia làm 2 phần, một phần giống với kiểu phim Hongkong thập niên 90 với “tình tiền tù tội”. Lưu Huỳnh tạo được một câu chuyện cuốn hút để người xem “ngóng” xem thử câu chuyện tình này nó ra sao. Để rồi một cú twist giữa phim khiến cho cả rạp phải bật cười, cười kiểu đỡ không nổi, ha ha, ngay cả người điểm tĩnh như mình cũng phá ra cười với kiểu lật nhanh trong một tình huống như vậy.

Phần sau, là một phiên bản Việt của Cô Gái ĐM (The Danish Girl 2015). Mình không thích phần này bằng phần trước của phim, dù Đức Hải có một vai diễn có thể nói là rất tốt, mà nghĩ trong đầu cũng khó có ai diễn tốt hơn ở thời điểm hiện tại. Dù là copy, nhưng tính ra cũng không đến nổi tệ.

Tuy nhiên, dù cảnh quay và lối dẫn đậm chất điện ảnh nhưng mình cảm giác như đã “outdate”, nghĩa là nó mang đến cảm giác hơi nhàm và hơi lạc trong dòng chảy điện ảnh thế giới. Điểm yếu thứ 2 là thoại của phim, thoại rất giật cục và khá sáo rỗng dành cho Minh Tú và Hà Việt Dũng. Thoại này là thoại kiểu phim 30 năm trước, kiểu ngồi nhìn xa xăm, nói một câu triết lý, một câu đạo lý nào đó.

Mình là người hay nói đạo lý (tất nhiên mình sống như lol) nhưng nghe thoại trong phim cứ vừa rợn người vừa buồn cười. Phim này anh Lưu Huỳnh viết kịch bản (mà có vẻ mấy phim khác cũng vậy), nên chăng anh nên đổi cách thoại, vì đã qua rồi cái thời dùng thoại để minh họa cho thông điệp của mình như thế. Hãy dùng tình tiết, chi tiết để truyền thông điệp và người xem tự khám phá ra, chứ không cần bắt diễn viên phải đọc, nó giả trân à.

Điểm mình thích nhất ở Người Tình là ở những cảnh nóng, nó đúng nghĩa là “nóng”, đúng nghĩa là “khỏa thân”. Nó giống với phong cách phim ảnh của thế giới, chứ không phải “nóng như kem” của mấy cái phim Việt gần đây. Đã cởi thì cởi cho hết, chứ vừa muốn có tiếng “hy sinh cho nghệ thuật” vừa rón rén che che đậy đậy thì thôi về đóng phim du túp cho khỏe. Trong phim này Minh Tú đã rất dũng cảm và hết mình cho những cảnh khỏa thân, Cao Thùy Linh cũng có một cảnh.

Tóm lại, mình đã xem 2 lần phim này, để ủng hộ cho một phim có màu sắc khác biệt với những phim thị trường chạy theo doanh thu mấy năm gần đây. Dù phim chưa được thật sự tốt nhưng đáng để ủng hộ, để điện ảnh Việt có thể có thêm những phim như thế này, những phim mà đạo diễn làm ra cho chính mình, kể câu chuyện theo ý mình cho khán giả xem, chứ không phải kể câu chuyện thị trường muốn.
 
Bên trên