[Review Manga] Hunter x Hunter (1): Triết lý hiện sinh

SkylerNew

New member
Hunter x Hunter là một siêu phẩm manga, một huyền thoại luôn phải nằm trong top những manga hay nhất mọi thời đại, với cá nhân mình, đây là bộ manga mình yêu thích nhất, thích hơn cả bộ Naruto thần thánh hay Dragon Ball tượng đài tuổi thơ.

photo-1-15880644936071115893142.jpg


Chủ nghĩa hiện sinh do triết gia Søren Kierkegaard khởi xướng vào cuối thế kỷ 19. Phổ quát của chủ nghĩa hiện sinh là sự tự do, mỗi con người cá nhân – chứ không phải xã hội hay tôn giáo – chịu trách nhiệm tự mình mang đến ý nghĩa cho cuộc sống và sống một cách say mê và chân thành, hay “đích thực”. Nói dân dã hơn là sống cho mình, thoải mái, tự tại không ràng buộc.

Hunter x Hunter đậm màu hiện sinh, khi mà bắt đầu câu chuyện là một hành trình, một vòng lặp hành trình bắt đầu từ người cha (Ging) và Gon là người tiếp nối. Câu chuyện là một khúc hoan ca về những người rong ruổi giữa cuộc đời, tận hưởng cuộc sống. Những khát vọng thôi thúc đôi chân không ngừng nghĩ bước đi, và thu lấy niềm vui ở từng khung cảnh, từng cuộc gặp gỡ, từng trận đấu, từng bước ngoặc.

81-Vz4t-Q8-Cv-L-AC-SL1500.jpg

Yoshihiro Togashi thực sự là một kỳ tài khi có thể tạo ra một hệ thống nhân vật cực kỳ đặc sắc và khác biệt, không thể bị trộn lẫn, mà ở mỗi nhân vật đều có tư tưởng hiện sinh rõ ràng, dù có là đi tìm cha (Gon), tìm kẻ thù (Kurapika), tìm tiền tài danh vọng (Leorio), tìm niềm vui (Killua) hay là tìm đối thủ (Hisoka), tìm ý nghĩa cuộc đời (Chrollo Lucifer) … Mỗi nhân vật đều khẳng định cái “hiện hữu có trước vật chất”, kiến tạo ra các giá trị của chính mình và xác định ý nghĩa cho cuộc cuộc sống của mình, không để ai phải “gắn mác” hay dán nhãn định hướng trước. Nó khiến cho khi bước vào thế giới này, mỗi nhân vật đều mang đến một cảm xúc, một rung động nhất định khi nhìn ngắm hành trình đầy tươi vui đó.

Chủ nghĩa hiện sinh có khái niệm về “sự phi lý”, sự phi lý nhưng rất hợp lý, vì nó xuất phát từ sự tự do của con người những cũng đồng thời làm xói mòn chính những nền tảng đó. Nói dễ hiểu hơn thì nó là không có người tốt hay người xấu; điều gì xảy ra là xảy ra, và nó cũng có thể xảy ra với một người “tốt” cũng như với một người “xấu”. Sự phi lý của chủ nghĩa hiện sinh cũng chính là gốc của việc loại bỏ “tư duy nhị nguyên”. Tư duy nhị nguyên là kiểu, không tốt thì xấu, không trắng thì đen, không đúng thì sai, cuộc đời này rất nhiều màu xám, không có ai tốt hoàn toàn, cũng như xấu hoàn toàn, “Thánh nhân nào cũng có một quá khứ, tội đồ nào cũng có một tương lai”. Kim Dung đại lão gia cũng vận dụng tư tưởng này trong các tác phẩm để thể hiện các nhân vật không chính không tà như Lệnh Hồ Xung, Vi Tiểu Bảo, Cưu Ma Trí …

8185e89beb87345b288a08df3269b742.jpg

Ở Hunter x Hunter ta sẽ bắt gặp những “sự phi lý” đó với các nhân vật không tốt không xấu, ngay cả nhân vật chính như Gon cũng đầy khiếm khuyết và ngay cả một “phản diện được yêu thích” như Hisoka cũng được tán thưởng khi bắt đầu những màn tàn sát. Hay như siêu phản diện kiến vua Meruem, một nhân vật độc đáo về “cái ác hồn nhiên”, về “chủng tộc thượng đẳng” mà cuối cùng lại có một kết cuộc rất “tính người”. Nó khiến ta phải suy nghĩ nhân vật nào nào độc ác hơn, Meruem hay Hội trưởng hội Hunter Netero, ai mang tính người hơn ai, đúng và sai trộn lẫn.

Arc đầu tiên của bộ truyện là cuộc thi tuyển Hunter, đây là arc mở đầu, nhưng lại mở đầu rất chất lượng, nó khiến ta phải say mê lật giở từng trang không ngừng nghỉ, ngay cả khi đọc bộ truyện này lần đầu cách đây hơn 20 năm (lúc đó xuất bản lậu với cái tên Thợ Săn Tí Hon). Chỉ một arc đầu này thôi, đủ cho ta thấy “công lực” của “thánh” Togashi (tất nhiên ai đã đọc Hành Trình U Linh Giới – Yu Yu Hakusho sẽ không ngạc nhiên). Sự “hiện sinh” tự do trong một không khí đầy phấn khởi giữa một cuộc thi khiến cho ai cũng háo hức. Ở đó có những kẻ “đi thi cho vui”, năm nào cũng đi thi, mục tiêu là để phá cho người khác rớt, cũng là một kiểu hiện sinh, sống theo ý mình thích, kệ chuyện thi cử. Ở đó có hành trình kỳ ảo, ở đó có trận chiến sinh tồn, ở đó có đấu trí, có mọi yếu tố cho một bữa tiệc vui quên sầu.

Benjamin Franklin đã nói: “Những người từ bỏ tự do trân quý để đổi lấy sự an toàn tạm thời ít ỏi không xứng đáng với cả tự do lẫn sự an toàn”. Đọc Hunter x Hunter, thấy ai cũng dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn của mình, như Killua bước chân ra khỏi gia tộc sát thủ. Đọc Hunter x Hunter, càng thấy mong ước được là chính mình, được làm điều mình muốn, được tận hưởng cuộc đời, để không bao giờ hối hận, “để không phải chết nhiều năm trước khi được chôn”.

Bài này dài rồi, để bài sau viết tiếp, Hunter x Hunter (2): Hisoka – Kẻ độc ác hồn nhiên hay kẻ ác độc tự nhiên.

Theo Facebook Bui An
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành:
Bên trên