[Review sách] Đồng Thoại Đen – Otsuichi

SkylerNew

New member
Đây là cuốn sách gây thích thú nhất trong năm nay. Mình không đọc sách self help (tự mình giúp mình được rồi), không đọc kinh tế, kinh doanh, marketing làm giàu này nọ (do nghèo quen rồi, giàu sợ bị sốc), không đọc ngôn tình (thanh xuân đã qua mà hồi xuân chưa tới), nên toàn đọc thể loại biến thái với hồi ký lịch sử.

IMG_20211205_204909-675x900.jpg

Đồng Thoại Đen kể một câu chuyện đồng thoại rất đen tối, Eye’s Memory, nói về một con quạ biết nói tiếng người bay đi khắp nơi m.óc mắt của người khác đem về cho một cô bé mù mà nó tình cờ nhìn thấy. Cùng song hành với đó là câu chuyện thực của một cô bé khác bị cây dù chọc rớt mắt ra ngoài, sau khi ghép mắt mới vào thì nhìn thấy được những hình ảnh lưu giữ của người hiến mắt và lên đường tìm kiếm những bí mật ẩn giấu phía sau.



Câu chuyện ghép mắt rồi nhìn thấy quá khứ không mới lạ gì, Otsuichi cũng không có ý định đem đó làm chủ đạo cho thông điệp xuyên suốt, mà chỉ là cái cớ để ông phác họa lên một “đồng thoại đen” cực kỳ độc đáo, kỳ dị, tàn nhẫn và lạnh lùng. Lồng trong một câu chuyện trinh thám cổ điển với cái kết về hung thủ khá dễ đoán, Otsuichi đi sâu vào tâm lý của con người, và thông qua đó mang những ẩn dụ mạnh mẽ về cuộc sống, đau khổ, chịu đựng và chấp nhận.



Cô bé nhân vật chính trong truyện đối mặt với vấn đề lớn cuộc đời khi mà sau tai nạn không thể nhớ gì trước đó, chỉ sống bằng ký ức của người khác. Ký ức là một điều kỳ diệu, nó neo giữ bản thể mỗi người, không có ký ức, người ta chơi vơi vô định không biết nổi mình là ai, nên làm gì, phải sống ra sao. Đáng sợ hơn nữa là phải sống cho giống con người mình trước kia, mà lại là một người hoàn hảo. Sự đối lập của hai thái cực khiến dễ gia cường nỗi đau, nỗi cô đơn của một người lạc lối, bối rối ngay trong chính ngôi nhà mình, ngay với chính cha mẹ ruột thịt, đối diện với sự thờ ơ và thất vọng từ họ. Đây là một vấn đề rất hay mà Otsuichi đặt ra, con người có cần sự công nhận của người khác để tồn tại không, tự bản thân mỗi người có thể tạo cuộc đời cho riêng mình không. Khi tất cả đều chối bỏ và không thừa nhận, ta phải làm gì để sống tiếp, bước tiếp chặng đường khó khăn, cô bé trong câu chuyện này sẽ cho chúng ta câu trả lời.



Điểm thú vị nhất của cuốn sách này lại nằm ở nhân vật phản diện, một kẻ sở hữu “siêu năng lực” kỳ lạ, khi có thể c.ắt, đ.âm, hành hạ… nạn nhân nhưng các nạn nhân lại không đau, không chảy máu nhiều, không chết (nếu không đ.âm vào tim hay não). Các nạn nhân sẽ sống mãi, không cần ăn uống mà lại còn mang lại một cảm giác thoải mái khác thường. Đây là một mệnh đề rất hay mà tác giả đặt ra, kẻ ác kia sở hữu năng lực là may mắn hay sự trừng phạt, những nạn nhân kia bị kẻ ác bắt và hành hạ ngày qua ngày là bất hạnh hay giải thoát?



Hình ảnh “cắt nhưng không chết”, “bị hành hạ nhưng vẫn vui” nó dễ khiến liên tưởng đến xã hội rộng lớn, với những giai tầng có “siêu năng lực” sẽ cắt lần lượt lần lượt từng bộ phận của giai tầng thấp hơn (chảy máu nhưng không chết), như kẻ thủ ác trong truyện đã làm với cô bé hắn bắt cóc được. Và những nạn nhân sẽ vừa mắc “hội chứng Stockholm” vừa mang cảm giác phẫn uất nhưng bất lực. Nó y chang như xã hội nhiễu nhương, như cuộc đời ô trọc, như mâu thuẫn không lối thoát. Đời luôn đầy đau thương, nhưng đời cũng đầy niềm vui, và qua đời là không còn gì cả.



Với thủ pháp tả thực khá là “ghê rợn” nên những hình ảnh trong câu chuyện này có thể gây sốc với những ai yếu tim, nhưng đó dường như là bản sắc của Otsuichi, như vị cay nồng không thể thiếu trong một món ăn đặc sắc. Đồng Thoại Đen có đủ các yếu tố hấp dẫn từ trang đầu cho dến trang cuối. Một câu chuyện trinh thám ẩn dưới đó nhiều ẩn dụ thâm sâu khó lường (ngay cả cái kết của câu chuyện đồng thoại Eye’s Memory cũng đầy ẩn dụ) mà nếu không đọc kỹ, không nghĩ kỹ sẽ thấy đây chỉ là một câu chuyện giật gân rẻ tiền.
 
Bên trên