Bosch Việt Nam được công nhận là một trong 100 doanh nghiệp sản xuất bền vững tại Chương Trình CSI 2024

thelonervn

Active member
Tại Bosch, việc cân bằng các khía cạnh môi trường, kinh tế và xã hội trong hoạt động kinh doanh là một phần tất yếu của quản trị doanh nghiệp có trách nhiệm

Bosch Việt Nam vừa vinh dự được công nhận là một trong 100 doanh nghiệp bền vững hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất tại Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam 2024 (Chương trình CSI 2024). Sự ghi nhận này một lần nữa khẳng định cam kết mạnh mẽ của Bosch đối với các hoạt động phát triển bền vững và những đóng góp quan trọng của công ty cho ngành sản xuất Việt Nam.

3f606b26f64c4c12155d.jpg


Ông Brendan Sunderland, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Kỹ thuật của Bosch Việt Nam, nhấn mạnh trách nhiệm của công ty đối với sản xuất bền vững: "Tại Bosch, chúng tôi tin rằng sự tăng trưởng kinh tế và trách nhiệm môi trường luôn song hành cùng nhau. Việc được vinh danh tại Chương trình CSI 2024 một lần nữa khẳng định cam kết của chúng tôi trong việc thúc đẩy các hoạt động bền vững trong ngành sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh cột mốc quan trọng này, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục tập trung vào sứ mệnh phát triển các giải pháp sáng tạo nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống đồng thời bảo vệ môi trường."

Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (Chương trình CSI) là sự ghi nhận thường niên của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (MOLISA), Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE), và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (VGCL). Chương trình tổ chức nhằm tôn vinh các doanh nghiệp xuất sắc trong phát triển bền vững trên các phương diện: hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội.

Phát triển bền vững là một phần trong chiến lược phát triển dài hạn

4b908c37115dab03f24c.jpg


Tại Bosch Việt Nam, phát triển bền vững nằm xuyên suốt trong mọi khía cạnh hoạt động, từ sản xuất đến đóng gói và phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng, cũng như sự tham gia tích cực vào các hoạt động cộng đồng tại địa phương.

Ông Karsten Hartmann, Phó Chủ tịch, Giám đốc Tài chính nhà máy Bosch Việt Nam chia sẻ: "Cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững đã thúc đẩy Bosch Việt Nam triển khai một số sáng kiến đổi trong thời gian gần đây. Cụ thể, chúng tôi đã đẩy mạnh ứng dụng năng lượng tái tạo, đầu tư vào công nghệ tiên tiến nhằm giảm thiểu chất thải, đồng thời tích cực hợp tác với các đối tác địa phương trong triển khai các chiến dịch bảo vệ môi trường với quy mô lớn."

Bosch Việt Nam đã liên tục triển khai các dự án quản lý môi trường mang tính đổi mới như khánh thành hệ thống điện mặt trời hiện đại 1.540 kWp tại nhà máy Bosch. Hệ thống này dự kiến sẽ tạo ra khoảng 2.300 MWh năng lượng sạch mỗi năm, giảm 1.630 tấn khí thải CO2 - tương đương với việc trồng khoảng 30.000 cây xanh hàng năm. Ngoài ra, khoản đầu tư 900.000 euro vào hệ thống tái chế nước thải tiên tiến minh chứng cho cam kết bảo tồn nguồn nước của Bosch.

Kể từ năm 2020, Tập đoàn Bosch với hơn 400 chi nhánh trên toàn cầu đã đạt được mức trung hòa carbon toàn diện (phạm vi 1 và 2). Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi đã áp dụng bốn trụ cột chính: cải thiện hiệu quả năng lượng, tự tạo năng lượng từ nguồn tái tạo (năng lượng sạch mới), mua điện từ nguồn tái tạo (điện xanh), và cuối cùng - bù đắp lượng khí thải CO₂ còn lại bằng tín chỉ carbon. Phạm vi 1, 2 và 3 được sử dụng theo Tiêu Chuẩn Kế Toán và Báo Cáo Khí Nhà Kính Của Doanh Nghiệp.

6ed0315a7b2fc171983e.jpg


Qua các năm, nhà máy Bosch tại Việt Nam đã tổ chức các chiến dịch Trồng rừng phối hợp với các đối tác và chính quyền địa phương tại Vườn Quốc gia Cát Tiên và Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai. Chương trình này đã nhận được sự tham gia nhiệt tình của các cộng sự Bosch Việt Nam từ tất cả chi nhánh và công ty con của Bosch trên khắp cả nước. Chỉ riêng trong năm 2022-2023, nhân viên Bosch đã thành công trồng hơn 1.200 cây, phủ xanh gần 3 héc-ta rừng. Để đảm bảo tính bền vững của chiến dịch và tác động tích cực lâu dài đến môi trường tự nhiên, các đối tác địa phương sẽ theo dõi khu rừng sau khi trồng cây và cung cấp báo cáo hàng năm về tỷ lệ cây sống trên 80%, đảm bảo khu vực phát triển thành một khu rừng phong phú trong tương lai.

Bosch thành lập văn phòng đại diện đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1994 và đã trở thành nhà đầu tư Đức lớn nhất tại Việt Nam (Theo báo cáo từ Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam Việt Nam), với các hoạt động trải rộng từ sản xuất, nghiên cứu và phát triển (R&D), bán hàng và dịch vụ. Hiện nay, công ty có hơn 6.200 nhân viên và vận hành trong các lĩnh vực kinh doanh đa dạng, điều hành các văn phòng Bosch Global Software Technologies tại cả Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, một trung tâm R&D và một nhà máy sản xuất giải pháp hệ thống truyền động tại Đồng Nai - nhà máy sản xuất dây đai truyền động biến thiên liên tục (CVT) lớn nhất toàn cầu của tập đoàn Bosch.
 
Bên trên