Phim Công Tử Bạc Liêu khiến giới mộ điệu bất ngờ khi công bố đầu tư hơn nửa tỷ đồng để chế tác chiếc máy bay tư nhân phiên bản 1:1 đầu tiên của Việt Nam. Đặc biệt, mô hình máy bay này cũng sẽ được trình làng trên thảm đỏ tại buổi ra mắt phim diễn ra vào ngày 03.12 sắp tới.
Chiếc máy bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam – biểu tượng xa hoa đúng chất "Công Tử Bạc Liêu"
Trong trích đoạn hậu trường mới nhất vừa được ê-kíp Công Tử Bạc Liêu chia sẻ, Nhà sản xuất Giang Hồ đã hé lộ nguồn cảm hứng đầu tiên giúp dự án thành hình: Chiếc máy bay tư nhân đầu tiên của người Việt do chính người Việt cầm lái. Ấn tượng với lối sống phóng khoáng đi trước thời đại của Công Tử Bạc Liêu, Giám đốc sản xuất Thủy Nguyễn và Nhà sản xuất Giang Hồ đã quyết tâm chuyển thể những giai thoại nổi tiếng về ông thành một bộ phim điện ảnh, qua đó tái hiện nét đặc trưng văn hóa miền Nam đầu thế kỷ 20 và những thú ăn chơi xa hoa hiếm thấy trên màn ảnh Việt.
Theo ê-kíp sản xuất Công Tử Bạc Liêu, mỗi bộ phim đều cần một hình tượng mang tính biểu trưng để làm cầu nối giúp khán giả dễ dàng tiếp cận và thấu hiểu tinh thần tác phẩm. Đối với Giám đốc sản xuất Thủy Nguyễn và Nhà sản xuất Giang Hồ, chiếc máy bay tư nhân của cậu Ba Hơn chính là một hình tượng như thế. Vào thập niên 30-40 của thế kỷ trước, việc sở hữu một chiếc máy bay cho riêng mình không chỉ là biểu tượng của sự giàu có vượt bậc mà còn là minh chứng cho tư duy tiên phong, sự sáng tạo và tinh thần dám nghĩ dám làm - điều ít ai có thể hình dung hay dám thực hiện tại thời điểm ấy.
Để mang đến sự chân thực tối đa cho bộ phim Công Tử Bạc Liêu, chiếc máy bay tư nhân phiên bản 1:1 đã được ê-kíp sản xuất đầu tư rất nhiều thời gian và công sức với chi phí lên đến hơn 500 triệu đồng. Vì đây là một chế tác phức tạp và đòi hỏi kỹ thuật cao, ê-kíp Công Tử Bạc Liêu đã phải huy động một đội ngũ nghệ nhân hàng đầu để gia công trong suốt 4 tháng liên tục. Nhà sản xuất Giang Hồ bật mí, mô hình máy bay thậm chí còn được hoàn thành trước khi kịch bản phim được viết xong.
Quá trình chế tạo mô hình máy bay Morane-Saulnier tỷ lệ 1:1 phục vụ quay phim Công Tử Bạc Liêu được thực hiện tỉ mỉ, yêu cầu độ chính xác cao ở từng bước. Đầu tiên, đội ngũ thiết kế nghiên cứu các thông số kỹ thuật 2D từ nguồn tài liệu của Pháp, sau đó nhóm kỹ xảo dựng lại mô hình 3D và kiểm tra kỹ lưỡng trước khi chuyển sang giai đoạn sản xuất.
Do đây là mô hình phục vụ cho quá trình quay phim, nhằm đáp ứng yêu cầu ghi hình từ nhiều góc máy khác nhau cũng như thuận tiện cho việc vận chuyển và lắp ráp, ê-kíp Công Tử Bạc Liêu đã chia máy bay thành ba phần chính: thân máy bay, cánh trái và cánh phải. Quá trình lắp ráp gặp không ít khó khăn và phải trải qua hơn 5 lần lắp ráp mới thành công vì chưa ai trong đội ngũ từng tiếp xúc với loại máy bay này trong thực tế. Máy bay được vận chuyển bằng xe cẩu lớn trọng tải 10 tấn và di chuyển toàn bộ trong đêm để đi từ bối cảnh này sang bối cảnh khác.
Để thực hiện các cảnh quay chiếc máy bay cất cánh, nhóm thiết kế đã lựa chọn vật liệu cẩn thận, đảm bảo mô hình đủ nhẹ để có thể kéo đi được. Nguyên vật liệu chủ yếu bao gồm nhôm, vải sợi poly xuyên sáng, sắt vuông, sắt tròn, cánh quạt in 3D, và nội thất được bọc da nhân tạo, tái hiện phong cách sang trọng của cậu Ba Hơn.
Quá trình thực hiện cảnh quay máy bay chạy đà cất cánh cũng gặp rất nhiều khó khăn, trọng tải máy bay khá nặng so với khung sườn nên nếu chạy quá nhanh máy bay có nguyên cơ bị gãy. Bên cạnh đó, kích thước máy bay rất lớn và việc lắp ráp với xe bán tải rất khó khăn nên mỗi lần quay lại thì đoàn phim Công Tử Bạc Liêu phải đi lùi chứ không thể quay đầu lại được. Đây là một trong những trải nghiệm làm phim đáng nhớ của ekip trong dự án lần này.
Sự cầu kỳ trong từng chi tiết nhỏ đã biến chiếc máy bay không chỉ là một đạo cụ, mà còn trở thành một vật thể sống động, góp phần tái hiện chân thực bối cảnh đầu thế kỷ 20 trong bộ phim. Trong bối cảnh ngành điện ảnh ngày càng phụ thuộc vào công nghệ kỹ xảo, việc lựa chọn “làm thật” thay vì tạo dựng hình ảnh bằng CGI là một bước đi đầy táo bạo. Đạo diễn Lý Minh Thắng và ê-kíp chia sẻ: "Chúng tôi hoàn toàn có thể sử dụng kỹ xảo để tạo ra hình ảnh chiếc máy bay, nhưng điều đó sẽ không mang lại cảm giác chân thực cho diễn viên và khán giả. Làm thật giúp diễn viên hòa mình trọn vẹn vào nhân vật và bối cảnh, từ đó mang lại những cảm xúc sống động nhất trên màn ảnh."
Lần đầu tiên có một chiếc máy bay xuất hiện tại thảm đỏ Premiere phim điện ảnh
Không chỉ là biểu tượng trong bộ phim, chiếc máy bay tư nhân phiên bản 1:1 còn được chọn làm tâm điểm của buổi ra mắt phim Công Tử Bạc Liêu diễn ra vào ngày 03.12 sắp tới. Sự kiện này sẽ đánh dấu lần đầu tiên một mô hình máy bay khổng lồ được xuất hiện tại một buổi công chiếu phim tại Việt Nam.
Đây không chỉ là một màn phô diễn đạo cụ phim hoành tráng mà còn là cách để khán giả cảm nhận được tinh thần và thông điệp của bộ phim. Chiếc máy bay tượng trưng cho khát vọng chinh phục những điều ít ai dám làm, không chỉ của nhân vật Công Tử Bạc Liêu mà còn của chính ê-kíp làm phim.
Ê-kíp Công Tử Bạc Liêu chia sẻ: "Chúng tôi muốn khán giả không chỉ xem một bộ phim, mà còn phải thực sự được sống trong những tháng năm đầy màu sắc của thế kỷ 20. Chiếc máy bay tại buổi họp báo là cách chúng tôi đưa khán giả vào không gian của bộ phim, nơi mỗi chi tiết đều mang ý nghĩa và cảm xúc riêng."