Sau cơn địa chấn

BuiAn

Administrator
Hôm nay, tôi ngồi xem lại bộ phim AfterShock (2010) - Đường Sơn Đại Địa Chấn của đạo diễn lừng lẫy Phùng Tiểu Cương, có vẻ không hợp lắm với ngày Valentine như thế này, nhưng chỉ đơn giản là muốn xem lại những câu chuyện, sau đau thương mất mát, người ta làm gì để vượt qua.

1676352205249.jpeg

Hôm nay đã hơn 1 tuần trôi qua từ sau trận động đất kinh khủng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, số người chết đã tăng lên rất nhanh, đến nay đã hơn 30.000 người. Tuy vậy, trên các mạng xã hội, người ta nói về nó rất ít (hoặc là do tôi không thấy), cũng không nhiều stt "Pray for" như hồi Nhà Thờ Đức Bà cháy hay là vụ giẫm đạp ở Hàn Quốc. Có lẽ ở nơi này người ta không quan tâm lắm những chuyện ở nơi nào đó xa xôi, có khi còn không biết nó ở đâu trên bản đồ, thuộc châu Á hay châu Phi. Nhưng dù có vậy, thảm kịch vẫn xảy ra từng giờ từng phút, dù có quan tâm hay không, cũng như nhân dân Ukraine vẫn đang chiến đấu và ngã xuống cho cuộc chiến vệ quốc chống Nga, dù mạng xã hội ở đây có nhắc đến nữa hay không.

Trong cuốn "Hảo Nữ Trung Hoa", Hân Nhiên đã kể một câu chuyện khi tìm lại những nạn nhân của trận động đất lớn nhất thế kỷ 20, ở Đường Sơn. Một người mẹ bất hạnh mất đi đứa con gái, trong một tình cảnh nghiệt ngã, mà khiến cho người mẹ ấy không có đêm nào yên giấc sau hàng chục năm. Sau cơn động đất sụp đổ, cô bé bị kẹt giữa những bức tường bị đổ của hai tòa nhà, lơ lửng giữa không trung, và phần thân dưới bị kẹt giữa 2 bức tường, nghiền nát. Cô bé đợi cứu hộ, cứu hộ tới không làm gì được, giữa cả một thành phố đổ nát, cô bé cuối cùng vẫn không thể sống sau 14 ngày khủng khiếp giữa lưng chừng địa ngục, cô bé 14 tuổi. Và người mẹ ở lại sống với cơn ác mộng dài thiên thu. Quả thật, rất ám ảnh khi đọc hết câu chuyện này, một cơn ớn lạnh về sự tàn phá của động đất và sự bất lực của con người trước thiên nhiên.

Trong AfterShock, cũng có một tình huống khắc nghiệt như thế, thậm chí hơn. Sau vẻn vẹn 23 giây, cả một gia đình hạnh phúc tìm nhau dưới đống hoang tàn, chồng đã chết, người vợ tìm thấy 2 đứa con sinh đôi, kẹt dưới tấm bê tông. Nếu nhấc bên này, đứa con trai bị nghiến, nhấc bên kia thì đứa con gái không qua khỏi, người mẹ phải đưa ra lựa chọn, một lựa chọn khủng khiếp nhất trong cuộc đời, mà có lẽ không ai muốn chọn. Cuối cùng bà chọn con trai, và những lời nói ấy đứa con gái nằm dưới tấm bê tông vẫn nghe rõ mồn một. Không còn gì có thể đau khổ và tuyệt vọng hơn.

Cả bộ phim là một hành trình dài, kéo tận 32 năm sau đó. Một hành trình tìm lại yêu thương trong oán trách (của cô con gái may mắn sống sót) và sự hối hận day dứt đến vô cùng của người mẹ khi phải đưa ra lựa chọn. "Không phải là con không nhớ, mà là con không thể quên", cô con gái sống sót đã nói với người cha nuôi như vậy, làm sao mà quên được cảm giác bị mẹ mình từ bỏ.

Nhưng rồi sau tất cả, mỗi người phải học cách yêu thương, học cách tái sinh sau vụn vỡ, thời gian không thể biến tất cả lại như cũ nhưng sẽ làm mờ đi những vết sẹo trong tâm hồn. "Những ngôi nhà sẽ được phục dựng và xây lại, nhưng trái tim của người mẹ thì đã vỡ nát không thể hàn gắn từ sau đêm ấy". 32 năm, cả một nửa đời người, như trong phim có nói, đời được mấy lần 30 năm, người mẹ và con gái gặp lại trong lẫn lộn cảm xúc, để rồi cuối cùng nhẹ tênh thanh thản, như cánh chim cuối ngày chao lượn ngước nhìn ánh hoàng hôn. Họ giải thoát cho nhau khỏi tảng đá đè nặng linh hồn mà thênh thang một cuộc đời mới. 23 giây động đất và 32 năm để vượt qua.

Trong tác phẩm "Ảo Dạ" của Higashino Keigo, cả nam và nữ chính đều cùng trải qua một trận động đất khủng khiếp, để rồi rất lâu sau đó vẫn nghĩ rằng đêm đó như một giấc mộng ảo, một nơi phi thực mà số phận đã bắt họ phải ở ngay nơi ấy. Sau mỗi trận động đất, nhìn những rãnh nứt toác sâu hun hút dưới chân, con người sẽ hiểu ra rằng, so với thiên nhiên họ chỉ là thứ rất nhỏ bé và vô nghĩa. Nhưng con người lại có một trái tim kiên cường, cùng một trái tim ngập yêu thương. Phải chăng tình yêu khiến con người vẫn còn trụ vững giữa mênh mông đất trời này.
 
Bên trên