Ta tìm gì đây giữa xa hoa thị thành?

BuiAn

Administrator
Vâng, luôn là câu hỏi này mỗi sáng tôi thức dậy, mình đang làm gì đây, đang tìm gì đây giữa thành phố phồn hoa đô hội này. Công danh, sự nghiệp, tiền tài ,vợ đẹp con xinh, nhà cao cửa rộng … mọi thứ đều quá cao xa và mơ hồ, nó không thiết thực hơn việc kiếm đủ cơm cho vào miệng mình để tồn tại. Nhưng tồn tại để làm gì, để kiếm những thứ cao xa và mơ hồ kia ư, bao giờ mới kiếm được, kiếm cơm trước đã, vòng lẩn quẩn lại xuất hiện.

44638185344-0a7ead42e2-k.jpg

Chúng ta chênh chênh giữa dòng xoáy cuộc đời chỉ để tìm một lối đi, một con đường dễ đi nhất nhưng mà ai cũng đi đường dễ thì đường khó ai đi. Hàng ngày, hàng ngàn hàng triệu con người thức dậy lao ra đường để đi tiếp con đường của mình, dù đường đẹp hay toàn “ổ gà” thì cũng phải đi, vì đó là con đường của mình mà. Đôi khi rảo bước trên đường, có khi nào ta lại muốn tìm một đường tắt hay một con đường khác hay không? Chắc hẳn ai cũng từng nghĩ vậy, có khi ta cảm thấy mình hèn kém, mặc cảm, tự ti và thất vọng về bản thân, ta muốn làm điều gì đó để thay đổi, ta muốn tìm một con đường mới nhưng làm gì đây, đường ở đâu, ta lại chẳng biết.

Ta tìm những thứ thiết thực với mình hơn, vật chất, và như người ta nói, “đời chẳng cho không ai cái gì”, để có được cái này ta phải đánh đổi cái kia, thậm chí là phải đánh đổi cả lương tâm và bản thân mình để đạt được thứ mình muốn. Khi có được vật chất ta lại đánh mất giá trị con người mình, một cuộc đổi chác không công bằng nhưng không thể cưỡng lại, mà thật ra thì đời này cũng ít khi công bằng lắm.

Lẽ dĩ nhiên, trên con đường đi không phải lúc nào ta cũng đi thoải mái, có khi ta phải đi chậm, có khi phải đi nhanh, có khi bị vấp ngã và có khi phải đứng dậy. Nhưng trước khi đứng được dậy ta phải cảm nhận cơn đau, đau nhiều hay đau ít thì còn tùy. Người ta nói “trèo cao thì té đau”, đường quê đường làng bờ đê bụi cỏ, té xuống nó cũng “mềm” hơn, té xuống có nhiều người xung quanh đỡ dậy, chốn thị thành toàn đường nhựa bê tông, té xuống đau thấu trời xanh, nhìn quanh chẳng có ai giúp, chỉ có ta với ta.

Con người là một thực thể khó hiểu, đôi khi bình thường quá, an nhàn quá lại không thích, muốn đối đầu với khó khăn, thử thách để khẳng định bản thân mình, để tìm ra lẽ sống dù nó chẳng dễ dàng gì. Vậy nên dù có khổ cực vẫn có hàng triệu người nuôi hy vọng, nuôi khát vọng thay đổi cuộc sống của mình ở chốn xa hoa thị thành này, dù với bất cứ lý do gì thì cũng phải tiến lên để nhận được thành công hoặc thất bại. Thành công thì quá tốt, thất bại thì cũng chẳng sao cả, “ai chiến thắng mà không hề chiến bại, ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”.

Cuộc đời ngắn ngủi mà đường đi quá dài, đôi khi chùn chân mỏi gối ta lại tự hỏi, tại sao ta lại đi tìm lẽ sống ở nơi đây, tìm ở nơi khác không được sao, về quê chẳng hạn. “Về đi em làng quê cũ, có con sông xưa vỗ về, về ôm vai Mẹ yêu dấu, để được khóc như đứa trẻ thơ”. Luôn là như vậy, những khi mệt mỏi, quê nhà là nơi ta nghĩ đến đầu tiên, về nhà để tìm cho ta những khoảng lặng, những giây phút yên bình và tìm cho mình một con đường thảnh thơi. Nhưng ta thường thấy trong truyện kiếm hiệp, cao thủ có bỏ lên núi tu luyện hàng chục năm đi nữa thì cuối cùng cũng phải xuống chỗ náo nhiệt để thể hiện, nếu không thì ai biết tới mình, vậy nên để có thể phát huy hết khả năng thì thành phố xa hoa có vẻ tốt hơn làng quê thanh bình.

Mặc dù vậy, điều đó không phải đúng với tất cả mọi người, giống như cá hợp với nước, thú hợp với rừng thì người cũng có người này người kia, có khi ở môi trường này thì họ dỡ nhưng chỗ khác họ lại giỏi, việc khó nhất là làm sao biết được cái nào hợp với mình. Để có câu trả lời thì không thể ngồi đó phán đoán rồi phân vân không biết mình đúng hay sai mà hãy lao vào rồi tìm chân lý cho bản thân. Ta tìm gì đây giữa xa hoa thị thành, có lẽ là đang tìm cho mình một con đường đúng nhất, hợp với mình nhất. Còn nếu không phải hoặc tìm không thấy ta có thể quay đầu để trút đi những gánh nặng, những bon chen, “để quên đi thành phố kia xa lạ, về vui yên ấm nơi quê nhà, về đi em cô gái thơ ngây của làng ta”.

Bài viết năm 2013
 
Bên trên