[Review Sách] Nhà tù Shawshank - Stephen King

BuiAn

Administrator
Có lẽ ai trong chúng ta, nếu mê phim ảnh thì bắt buộc phải xem The Shawshank Redemption, bộ phim điểm cao nhất IMDb, một trong những bộ phim hay nhất lịch sử điện ảnh. Nhưng ít ai biết được phim này lại được chuyển thể từ truyện của Stephen King, cả tôi cũng vậy, trước khi đọc cuốn sách này thì không hề biết, vì nó không giống kiểu truyện của King mà ta từng biết.

1695054111692.jpeg

The Shawshank Redemption có lẽ là phim hiếm hoi mà chuyển thể từ tác phẩm văn học mà lại còn hay hơn cả khi đọc sách. Bởi câu chuyện "Hy vọng tựa nhựa xuân" được kể bằng góc nhìn của nhân vật Red (không phải nhân vật chính), nên sẽ hơi đơn điệu trong cách thể hiện. Ở phim thì ngược lại, đa màu sắc, đa góc nhìn, nhiều tình tiết hơn.

Có một số tình tiết quan trọng mà khi lên phim đã được thay đổi so với truyện, là tình tiết tên tù vào sau biết được án oan sai của Andy sau đó thì bị giám đốc nhà tù trừ khử, trong truyện thì không, trong nguyên tác là tên tù này được chuyển qua nhà tù khác, sướng hơn (đi tù được về thăm nhà cuối tuần). Chi tiết thứ 2 là nếu trong phim, Andy tạo ra một nhân dạng mới thông qua việc trốn thuế cho giám đốc nhà tù thì ở trong truyện cái này do một người bạn thân của Andy bên ngoài làm giúp. Kết cục của giám đốc nhà ngục cũng thay đổi, trong truyện thì giám đốc chỉ bị cách chức, còn trong phim thì ông này tự sát. Những tình tiết thay đổi này thực sự "nâng tầm" bộ phim lên, tăng mức độ kịch tính của câu chuyện và tăng "thông minh" cho nhân vật Andy, người xem cũng cảm thấy thích thú hơn.

Tagline của truyện này là "Hy vọng tựa nhựa Xuân", nên chắc chắn nó phải nói về hy vọng. Andy đã mất 27 năm đêm đêm đục bức tường nhà tù để vượt ngục, còn Red là gần 40 năm để có lại hy vọng. Andy vừa giữ hy vọng trong mình không tắt, vừa truyền hy vọng cho Red. Hy vọng khiến tâm hồn người ta bay xuyên qua cả những bức tường tù, ở đó không ai giam cầm được họ nữa cả. Phim này kinh điển bởi những thông điệp tầng tầng lớp lớp như thế.

Một chi tiết hay khác mà khi đọc trong sách thấy rất sướng mà lên phim thì không hay bằng, là cảnh mà toán tù nhân được lên mái nhà làm việc, ở đó Andy đã bạo gan tới đề xuất giúp cai ngục trốn thuế, đổi lại là 3 chai bia cho mỗi “đồng nghiệp” của anh. Chi tiết này miêu tả về sự “tự do”, ngồi hưởng gió xuân trên mái nhà, uống chai bia lạnh và nghĩ về “tự do”, thật đẹp, thật lãng mạn, thật bi tráng. Tự do là tương đối mà với mỗi người lại có một định nghĩa, một mức độ mưu cầu khác nhau. Và những người tù trên mái nhà mùa xuân hôm ấy nhấm nháp tự do qua chai bia lạnh, tìm tự do ở nơi mất tự do.

“Thể chế hóa” là từ được dùng để chỉ việc nhà tù có thể cải tạo và biến đổi con người, “ban đầu chúng ta ghét những bức tường giam cầm, sau đó ta bắt đầu thấy nó thân thuộc, thời gian càng trôi đi, thiếu bức tường ta sẽ không sống được nữa”. Để minh họa cho “thể chế hóa” biến đổi con người là mảnh đời của Brooks, một tù nhân ở 50 năm trong tù, sau đó được ân xá ra ngoài. Bước ra thế giới ngoài kia, 50 năm trôi qua, Brooks không còn thuộc về thế giới ấy nữa, nhà tù mới là nơi ông thuộc về, ở ngoài kia ông là con số 0, còn trong tù ông có ý nghĩa. Brooks tự sát chỉ vài ngày sau khi được ra khỏi nhà tù.

Khái niệm “thể chế hóa” này nó rất hay, dù Stephen King đã viết nó mấy chục năm về trước thì đến bây giờ nó vẫn đúng chính xác với xã hội này. Thế hệ bị giam cầm quá lâu, làm không dám làm, nói không dám nói, những bức tường tư tưởng dựng lên trong tâm trí kéo dài khiến cho họ mất dần sức phản kháng, ngày một yêu thích các bức tường và cần có những bức tường để cảm thấy yên tâm. Tự do và hy vọng là những gì mà Andy quyết giữ lấy, dù có phải ở 27 năm trong tù, bị “thể chế hóa” mòn mỏi. Andy nhắn nhủ Red trong thư: "Hy vọng là một điều tốt, nhiều khi là điều tốt đẹp nhất. Mà những thứ tốt đẹp thì không bao giờ lụi tàn..".

Nhà Tù Shawshank là một lời nhắc nhở về “hy vọng” và “tự do”, nhà tù không phải chỉ có ở nơi hẻo lánh đầy lính gác, nhà tù rộng lớn hơn, gần gũi hơn, có khi ta đang ở tù mà không biết.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên