Anatomy of a Fall (2023) - Tất cả là lựa chọn

BuiAn

Administrator
Sau khi xem xong phim này thì có thể hiểu được tại sao nó không được Pháp chọn dự Oscar mà lại chọn phim của Trần Anh Hùng, dù là nó đoạt giải Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes. Dù giới phê bình đánh giá cao, dù người này người kia, "review phim nổi tiếng Facebook" xem xong khen nức nở, mình xem không thấy hay thì vẫn cứ thoải mái viết như thế, đừng xem bằng mắt thằng hàng xóm.

1704683924276.jpeg

Phim này có nhịp tim khá chậm, câu chuyện đơn giản, kể về cặp vợ chồng nhà văn. Một ngày nọ ông chồng rơi từ tầng áp mái xuống, tất nhiên là ch ết. Người vợ bị cáo buộc có khả năng gi ết chồng trong lúc tranh cãi. Cả phim là hành trình xử án ở toà, để xem người vợ - nhà văn nổi tiếng, có thực sự là kẻ sát nhân hay không.

Trong quá trình xét xử, câu chuyện xung đột của 2 vợ chồng dần lộ ra, về một cuộc hôn nhân đầy bế tắc, nhất là sau khi đứa con trai bị tai nạn và mù mắt. Người chồng luôn cảm thấy tội lỗi vì tai nạn của đứa con trai, anh làm mọi cách để bù đắp cho nó, bao gồm cả "hy sinh" mong muốn viết văn của mình để có thể làm giáo sư đại học, ở nhà dạy con học hành. Và đến một ngày anh nhận ra, "sao chỉ mình tôi phải hy sinh, còn vợ - mẹ của thằng bé đâu", và bà ấy đã ra 3 - 4 cuốn sách, đã nổi tiếng. Trong cuộc tranh cãi trước khi vụ án xảy ra 1 ngày, anh đã "vùng lên đòi quyền bình đẳng, đòi thời gian, đòi cả hai phải phân chia lại công việc, liên quan đến đứa con", tất nhiên là bất thành, bởi nhà văn luôn ích kỷ.

Viết văn, vốn là công việc cô đơn và ích kỷ, ta phải bỏ mọi thứ, toàn tâm toàn ý dâng hiến cho nó, để may ra có được thứ gì đó ra hồn. Nên không có gì lạ khi người vợ trong câu chuyện này biến thành người như thế, đó là lựa chọn. Người chồng cũng có lựa chọn, khi sự lựa chọn không còn co dãn cho vừa nhau nữa thì tất yếu sẽ xung đột. Lúc ấy, một trong hai phải "biến mất".

Người chồng lựa chọn hy sinh, lựa chọn đứa con trai. Đây cũng là lựa chọn phù hợp, đây cũng là lựa chọn của bản thân. Nhưng sau đó, lại muốn chọn lại, hướng về bản thân mình nhiều hơn. Nó cũng như triết lý nhân sinh quan phương Tây chú trọng vào cá nhân, khác với phương Đông là gia đình và những vòng quan hệ thân cận. Vấn đề ở đây không phải mất gì được gì, vấn đề ở đây là có đáng hay không, người chồng chọn quay đầu, khi cán cân, ham muốn sự nghiệp bắt đầu gây áp lực, so với bên kia là mặc cảm tội lỗi với đứa con trai.

Bản thân vụ án chỉ là cái cớ để đạo diễn có thể phơi bày ra mâu thuẫn gia đình lẩn khuất và bùng phát vào một (hoặc những) thời điểm nhất định. Cuối cùng, người ta không biết "văn có vận vào người" như anh công tố viên hào hứng giữa toà hay không, không biết nữ nhà văn có thực sự là hung thủ hay không. Bởi trong phim, rất lộ liễu khi biên kịch cho đứa con trai tìm mọi cách bảo vệ mẹ nó, thay đổi lời khai, thực nghiệm với con chó, "nhớ thêm" các tình tiết, để thuyết phục bồi thẩm đoàn. Cuối cùng thì mọi nỗ lực bù đắp cho đứa con của người chồng xuống sông xuống biển, khi đứa con trai đã bước vào bóng tối không thể quay đầu, tối hơn cả đôi mắt đã mất kia nữa.

Điều khiến phim này nhận được khen ngợi chính là diễn xuất của các diễn viên, ai cũng diễn hay, diễn đạt, từ người vợ, người chồng, đứa con trai, anh luật sư và đặc biện là anh công tố viên. Anh công tố viên đứng giữa phiên toà tìm mọi cách buộc tội nghi phạm, hùng hổ háo hức và nhiệt huyết, vừa mỉa mai vừa ớn lạnh.

Với một câu chuyện không có quá nhiều điểm gây bất ngờ, cũng không quá sâu, không cắt mạnh, không nhiều "mỹ cảm" thì phim này khó có thể khiến ta nhớ lâu, nhớ nhiều được. Nó khá là khác so với những gì mình được biết về "phim Cannes".

Hình ảnh cuối phim là người vợ về nhà, gặp con trai và ôm con chó ngủ, đó là lựa chọn. Người chồng cũng đã lựa chọn, hy sinh hay ngừng hy sinh. Còn đứa con cũng đã lựa chọn công lý hay bản thân. Tất cả là những lựa chọn, không có đúng hay sai, chỉ là đáng hay không.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên