[Review sách] Răng khôn - Lôi Mễ

BuiAn

Administrator
Lôi Mễ là tác giả có thể nói nằm trong top những nhà văn trinh thám kinh dị thành công nhất của văn đàn Trung Quốc những năm gần đây, bằng những tiểu thuyết gai góc và "đẫm máu", đi sâu vào tâm trí người đọc bằng thủ pháp ấn tượng, dựa trên nền tảng tâm lý học tội phạm sâu sắc.


Lôi Mễ vừa bắt đầu đã viết ngay tiểu thuyết, khác với những nhà văn khác là thử sức với truyện ngắn, truyện vừa, tạp văn ... rồi mới viết truyện dài, thì Lôi Mễ bắt đầu ngay với "Độc giả thứ 7", một cuốn tiểu thuyết trinh thám đầy mê hoặc. Sau đó là thành công rực rỡ, chính thức bước chân vào hàng ngũ tác gia hàng đầu với "Đề thi đẫm máu". Tuy nhiên, lần này, sau nhiều năm viết tiểu thuyết thì Lôi Mễ lại cho ra mắt tập truyện ngắn đầu tiên, Răng Khôn, như một sự thay đổi, một làn gió nhẹ cho chặng đường viết văn của ông.

Răng Khôn tập hợp 8 câu chuyện ngắn và vừa của Lôi Mễ, kể về những thân phận khác nhau, mau màu sắc hoang hoải nhìn ngắm cuộc đời. Bằng một góc nhìn kỳ lạ, Lôi Mễ bắt đầu với truyện vừa "Mặt Trời Mọc", như một niềm hy vọng khôn nguôi cho nhân tính của con người, như một sự an ủi cho những lầm đường lạc lối, và như một cuốn phim chiếu ngược cho những tham vọng và nhân quả. Một câu chuyện hay và xúc động.

Câu chuyện được đặt cho tiêu đề cuốn sách là Răng Khôn, như Lôi Mễ có nói, nỗi đau mà răng khôn mang lại nó không có giá trị gì cả, như chính bản thân chiếc răng khôn. Nhưng trên đời này, mọi thứ đều có ý nghĩa, nỗi đau đó ắt hẳn có một ý nghĩa mà ta chưa nắm bắt được. Giống như cậu cảnh sát trẻ trong câu chuyện, để lớn khôn phải trải qua nỗi đau, để lớn khôn phải đứng dậy từ sai lầm, những sai lầm thường có ở người trẻ. Truyện ngắn Răng Khôn này cũng đã được chuyển thể thành phim điện ảnh và tham dự liên hoan phim Berlin lần thứ 71.

"Tro tàn của chiếc bóng" lại là một cảm xúc dữ dội về "bóng ma quá khứ" và ham muốn trốn chạy khỏi sự thật, trốn chạy khỏi những tội lỗi mà mình gây ra. Để rồi 20 năm sau, mọi thứ mới được giải quyết. Những thứ khủng khiếp đôi khi bắt đầu bằng một sự ghen tức nhỏ nhoi. Đây có lẽ là câu chuyện khiến mình ngẫm nghĩ khá nhiều, dù nó rất ngắn, nghĩ về chuyện người ta có thể sống với lời hứa của mình bao lâu, và khi hứa ắt hẳn họ tin rằng có thể thực hiện được, và kết quả là sự chân tình ngay lúc này và sự bội phản ngay sau đó, có cái nào sai không?

"Trở thành Uông Doãn Bình" là một câu chuyện độc đáo, ở đó là sự "hoán chuyển nỗi đau", một biến chuyển tâm lý kỳ lạ của những kẻ không còn gì để mất. Nó cuốn hút người đọc cho đến tận những trang cuối cùng vì muốn dõi theo "nỗi đau biến chuyển" kia rồi sẽ thế nào. Và như một vòng tuần hoàn, không ai có thể quên được những thứ của mình, là chính mình, mọi sự chắp vá vay mượn để xoa dịu rồi sẽ phải bay đi, có thể là ngay khi ta sắp tắt thở.

"Bí mật của đường Quang Vinh" là một câu chuyện diễu nhại sâu cay về cái gọi là "quang vinh" trong tâm trí của những người dân sống nơi ấy, nơi con đường tên Quang Vinh. Nó là sự cụ thể hóa mong cầu được nhìn nhận, được an ủi cho thân phận nhỏ bé bằng những hư danh. Và để bảo vệ cho cái hư danh "quang vinh" ấy, người ta làm những chuyện bậy bạ, phi nhân tính. Người ta cầu toàn cho thứ vốn dĩ bất toàn và sứt mẻ. Hỡi ôi, quang vinh, quang vinh, muôn năm.

"Lúm đồng tiền" là câu chuyện ít sức hút nhất trong tập truyện này, nó chỉ đơn giản nói rằng "đàn ông rồi cũng sẽ quay về nhà", dù cho anh ta có tưởng rằng sẽ yêu thêm ai đó.

"Sóng biển của Vương Bảo Thuyên" là một tuyên ngôn rõ ràng về nghệ thuật, về những điều đẹp đẽ mà người ta có thể giữ lại, bất kể những chà đạp duy ý chí từ phí những người mang danh "giải phóng" hay "cách mạng". Những thứ đẹp đẽ sẽ len lỏi vào tâm can mỗi người, theo những cách khác nhau, bất kể thân phận sang hèn. Vương Bảo Thuyên đã nhận ra được nét đẹp mà cả cuộc đời mình muốn có và đã dùng cả tính mạng để mãi mãi có được nó. Một lát cắt nhỏ, nhưng sắc về cái cách mà những kẻ phàm phu tục tử nắm quyền hành đứng trước những tác phẩm nghệ thuật.

"Mối quan hệ tay ba", một câu chuyện nhẹ nhàng về hai người yêu nhau nhưng chen giữa họ là một người khác, một người đã chết. Mối quan hệ tay ba khó hiểu này cuối cùng đã được giải đáp ở cuối truyện. Nó như là sự khắc nghiệt của cuộc sống, sự khắc nghiệt của lựa chọn, sự ích kỷ và sự độc ác chèn lên nhau. Rốt lại, ai cũng có lý do để biện minh cho mình, và ai rồi cũng sẽ sợ hãi chính bản thân mình.

So với các tác phẩm trước thì tập truyện ngắn này không có quá nhiều sự bất ngờ hay "giật gân" để nắm giữ. Nhưng cũng như các tập truyện ngắn khác, nó vốn dĩ để chiêm nghiệm, để nhìn nhận, để tự nhắc nhở nhận ra những gì mà ta đã bỏ lửng hay quên mất đi từ lâu.

Bùi An
 
Bên trên