[Review sách] Thợ xăm ở Auschwitz

BuiAn

Administrator

Một câu chuyện thấm đẫm yêu thương, giữa nơi địa ngục trần gian, giữa nơi kinh khủng nhất của loài người trong thế kỷ 20. "Thợ xăm ở Auschwitz" đưa ta vào một miền ký ức đầy ám ảnh, khổ đau, kinh hoàng nhưng lại chứa đựng một tình yêu mãnh liệt, một niềm hy vọng sống lớn lao. Cho ta thấy rằng, giữa tro bụi hoang tàn, vẫn mọc lên chồi non xanh biếc.


1710909087287.jpeg

Phát xít Đức sau khi ra lệnh tiêu diệt người Do Thái đã dựng lên những trại tập trung như Auschwitz chỉ để gi ết người, sao cho nhanh nhất, hiệu quả nhất. Những người được đưa vào trại đã bị tước đi tất cả, từ mạng sống, nhân phẩm và quan trọng nhất là nhân dạng. Họ không còn tên tuổi mà được đánh số, bằng cách xăm vào cánh tay, một cách khắc dấu đến suốt đời. Lale, nhân vật chính trong truyện, bằng một cơ duyên kỳ lạ đã trở thành thợ xăm, một trong những thợ xăm ít ỏi ở trại này, để "đánh dấu" cho hàng chục, hàng trăm ngàn người khi bắt đầu bước vào cổng trại.

"Tôi xin lỗi, tôi rất xin lỗi" là câu cửa miệng của Lale khi bắt đầu đưa mũi kim vào tay một người vừa vào trại. Đó là sự ăn năn hối lỗi khi phải làm việc cho phía bên kia, phải làm việc gây khổ đau cho chính đồng bào mình. Ai cũng biết, ai cũng hiểu, ai cũng phải tồn tại, ai cũng phải tìm đường sống, như Jakoud, người tù mà Lale là cứu sau lại thành "đồ tể" tra tấn tù nhân trong trại biệt giam, tất cả là để không bị giết. Nhưng cho dù có tự đặt ra muôn vàn lý do, sự ân hận day dứt luôn ghim chặt trong tâm hồn, cho đến khi kết thúc cuộc đời, không bao giờ rũ sạch được, đó là cái giá của bước vào luyện ngục.

Hành trình của Lale là một hành trình dài, bắt đầu từ khi bước lên chuyến tàu chở súc vật (đúng nghĩa đen), bước vào trại, làm thợ xăm, được gặp Gita, trải qua nhiều năm cho đến khi quân đội Liên Xô tấn công. Lale và Gita đã sống sót ở nơi mà mỗi ngày tỉnh dậy không biết sống hay chết, ở nơi mà chỉ 5 phút sau đã phải lìa đời. Phải trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc, đủ thứ mất mát. Phải chạy khỏi trại ngay lúc quân SS tháo chạy, đi một đoạn đường rất dài để trở lại nơi bắt đầu, quê nhà mình, và phải đi thêm một đoạn nữa để tìm lại Gita giữa chiến trường loạn lạc.

"Anh đã đánh mất đức tin rồi sao?" Gita đã hỏi Lale như thế. Lale đã trả lời rằng ngay từ đêm đầu vào nơi này, chứng kiến đám SS gi ết người ào ạt, Lale đã phải tự hỏi rằng, nếu có Chúa thật, sao lại để chuyện này xảy ra, sao lại để địa ngục này xuất hiện trên mặt đất, sao lại để hàng trăm ngàn người, hàng triệu người chết đi theo kiểu như thế.

Không đi sâu vào những chi tiết khủng khiếp, cuốn sách này chủ yếu kể về cuộc tình đẹp của "Thợ xăm ở Auschwitz" và người bạn đời của mình. Nó khiến ta vừa hồi hộp vừa phấn chấn khi theo dõi họ, lần giở nhẹ nhàng từng trang để đi đến cuối con đường. Nó khiến ta tin rằng, không bao giờ là kết thúc.
 
Bên trên